Hoàng thái hậu Tiền_hoàng_hậu_(Minh_Anh_Tông)

Năm Thiên Thuận thứ 8 (1464), tháng 12, Minh Anh Tông đã mắc bệnh. Đến ngày 6 tháng giêng, đã không thể thượng triều, phải truyền Thái tử đến Văn Hoa điện xử lý quốc sự. Ngày 16 tháng ấy, Minh Anh Tông trước mặt bá quan công bố di chiếu, rồi băng hà. Di chiếu cho Hoàng thái tử Chu Kiến Thâm kế vị, tức Minh Hiến Tông.

Minh Anh Tông đối với việc Phế lập Tiền hậu khi trước, sớm đã không vừa mắt Chu Quý phi, nhưng vì địa vị của Thái tử mà bỏ qua không so đo, cũng một phần vì không nghĩ mình sẽ qua đời sớm. Vào lúc này, Anh Tông sợ mình băng hà thì Chu phi sẽ gây khó dễ Tiền hậu, nên trước khi lâm chung đã nói với Thái tử: "Hoàng hậu danh vị đã định, phải tẫn hiếu thiên niên."[7]. Nhưng Anh Tông chính là không yên tâm Chu phi sẽ tác oai tác oái, khiến Thái tử sợ mẹ mà làm bậy, bèn quyết định kéo tay Đại học sĩ Lý Hiền mà dặn dò: "Sau khi Tiền hoàng hậu thiên thu, phải cùng Trẫm hợp táng!". Đại học sĩ Lý Hiền khóc không thành tiếng, cũng lấy lời này viết lên di chiếu[8].

Mặc cho di chiếu của Anh Tông rất rõ ràng, theo lời mách của các thái giám nịnh nọt, Minh Hiến Tông định chỉ duy nhất một Hoàng thái hậu là Chu phi, còn Tiền hậu sẽ bị gạt qua một bên. Bản thân Chu phi cũng sai người đến phòng Nội các phủ dụ: "Tiền hoàng hậu tàn phế, lại không con, làm gì có tư cách làm Hoàng thái hậu? Chi bằng chỉ nên tôn lập Chu Quý phi, còn Tiền hậu nên theo lệ Tuyên Tông Hồ hoàng hậu trước đây mà phế bỏ." Các Đại học sĩ trong triều, đứng đầu là Lý Hiền ra sức phản đối, lấy lý do Anh Tông đã phủ dụ trên di chức tôn Tiền hoàng hậu làm Hoàng thái hậu. Đại học sĩ Bành Thời (彭時) cảm thán: "Liệt tổ liệt tông cùng thiên địa thần linh ở trên trời nhìn xem, Hoàng thượng đã lấy hiếu trị thiên hạ, há chỉ có tôn mẹ đẻ không tôn mẹ cả”. Do vậy, dưới áp lực của triều thần, Chu Quý phi bèn khóc lóc đến con trai là Hiến Tông để ra mặt, nhưng bản thân Hiến Tông cũng cảm thấy các đại thần có lý. Chu phi bèn tức tối, miễn cưỡng chấp nhận. Đối với việc Chu Quý phi quá quắt, ỷ mình là sinh mẫu mà đòi phế Tiền hậu, trong khi Tiền hậu do Anh Tông qua đời mà không tiếc ăn uống, không màng thế sự, còn Chu Quý phi chưa gì đã nhanh nhẹn muốn tranh vị, các đại thần trở nên bất mãn. Đại học sĩ Bành Thời nhanh chóng nói: ["Lưỡng cung đồng tôn Hoàng thái hậu, e rằng sẽ khó phân biệt. Nên tôn huy hiệu riêng cho Tiền hậu để phá lệ hơn thấp"]. Do vậy, các đại thần để phân biệt giữa Đích Thái hậu (Tiền thị) và Thứ Thái hậu (Chu thị), Đại học sĩ Lý Hiền kiến nghị chỉ tôn phong hiệu cho Tiền hậu.

Năm Thành Hóa nguyên niên (1465), tháng 3, tức 2 tháng sau khi Anh Tông băng hà, triều thần tôn Tiền hoàng hậu là Hoàng thái hậu, gọi là Từ Ý hoàng thái hậu (慈懿皇太后), còn Chu Quý phi chỉ là Hoàng thái hậu, mà không có tôn hiệu, như mẹ của Minh Đại Tông là Ngô Hiền phi trước đây.

Cùng năm ấy, vào ngày 21 tháng 7 (âm lịch), theo di chiếu của Anh Tông, Hiến Tông cử hành đại hôn với Ngô thị, con dâu do chính Anh Tông tuyển chọn khi còn tại thế. Ngô hoàng hậu phẩm hạnh hiền huệ, nhưng Hiến Tông lại say mê cung tì Vạn Trinh Nhi hơn đến mười mấy tuổi. Vạn thị tính tình xảo quyệt, vu hãm Ngô hoàng hậu khiến Hiến Tông bất mãn Hoàng hậu, bèn quyết định phế truất Ngô hậu. Đối với ý định này, Tiền Thái hậu rất phản đối, còn Chu Thái hậu cực lực ủng hộ ý kiến này của Hiến Tông. Theo dã sử, Chu Thái hậu căn bản không hề thấy Ngô hoàng hậu phạm lỗi đáng bị phế, nhưng khi nghe Tiền Thái hậu bảo vệ Ngô thị, bà ta lại trở mặt quay ra ủng hộ phế truất Ngô hậu. Như vậy, hai mẹ con Hiến Tông kể sướng người họa, căn bản khiến Tiền Thái hậu không thể bảo vệ thành công cô con dâu do Minh Anh Tông tuyển chọn. Ngô hoàng hậu tại vị chưa được 1 tháng, do vậy bị phế truất biếm vào Tây cung. Do xích mích này, Tiền Thái hậu đối với Hiến Tông lạnh nhạt, còn Hiến Tông đối với mẹ cả cũng không khách khí.

Năm Thành Hóa thứ 3 (1467), Hiến Tông phong cho anh trai Chu Thái hậu là Chu Thọ làm Khánh Vân bá, mà không đả động gì tới việc phong tước hiệu cho nhà họ Tiền. Tình trạng của Tiền Thái hậu do vậy trở nên quẫn bách.